Kiếm trong Aikido được sử dụng như là một môn nghệ thuật. Nó không phải để sử dụng vào mục đích giết chóc. Nó được sử dụng để làm đẹp hơn cho tâm hồn của người sử dụng nó.
Trong Aikido, tập luyện kiếm (Aikiken – bokken) là phần tập luyện nâng cao của hành giả. Kiếm giúp cho hành giả qua tập luyện nó mà biến đổi chính con người mình. Khi tập luyện kiếm đạt đến trình độ kỹ thuật cao, anh ta sẽ nhận thấy rằng kiếm chính là anh ta.
Những gì anh ta thể hiện qua đường kiếm của mình cũng chính là tâm tính của anh ta. Để đạt được cái tinh thần của Aikido, một hành giả phải luyện tập kiếm đến một mức độ anh ta có thể làm chủ được hoàn toàn kiếm, làm chủ được cái “tôi” của mình.
Trong quá trình luyện tập, cũng như những kỹ thuật tay không hay trường côn. Khi sử kiếm, hành giả Aikido nhất định phải hết sức chú tâm về cái tinh thần và ý nghĩa của kiếm. Chú tâm tuân thủ nguyên tắc, đề cao tính kỷ luật và sự cảnh giác cao độ với kiếm và với chính mình. Mỗi một động tác của anh ta được xem như là sự quyết định số phận của một con người. Anh ta không thể tùy tiện mà sử kiếm một cách vô thức, hay chỉ quan tâm đến cái hình dáng oai phong bên ngoài.
Thời xưa, mỗi nhát kiếm là một cuộc đời. Ngày nay, mỗi một nhát kiếm mà hành giả phát ra, là một lần anh ta được thức tỉnh. Một lần anh ta kêu gọi chính con người trong tâm mình phải sáng suốt, hãy biết trân quý cuộc sống của chính anh ta và người khác.
Bản thân kiếm là một vật nguy hiểm và vô tri. Nếu một hành giả không tự chủ, cái tính xấu trong con người anh ta sẽ bộc phát khi có thêm điều kiện thuận lợi. Cũng như khi được thêm sức mạnh hay sự thành công, con người nếu không biết kiềm chế cái “tôi” của mình, không triệt tiêu được sự cao ngạo và đắc thắng vì sự ưu thế, thì sẽ gây nguy hiểm cho nhân loại và nguy hiểm cho cả chính mình. Nói đúng hơn là anh ta sẽ hủy hoại người khác và hủy hoại ngay cả chính anh ta.
Một hành giả, mỗi lần được tập luyện kiếm là một lần hiểu được cái vẻ đẹp của một môn nghệ thuật. Nghệ thuật sử dụng kiếm và cũng là nghệ thuật sống. Một hành giả sử kiếm phải ý thức được mỗi một đường kiếm trong một bài tập là một hoàn cảnh.
Anh ta phải khéo biết cách xoay chuyển những tình thế khó khăn để biến nó thành vô sự. Anh ta phải ý thức được việc tập luyện của mình cũng giống như cách hành xử ở đời, phải trong sáng rõ ràng, phải khéo léo và nhân ái, phải trí tuệ và bao dung…
Đến lúc nào đó, qua luyện tập, hành giả sẽ thấy kiếm chính là mình, và mình là kiếm. Anh ta và kiếm chỉ là một. Mỗi nhát kiếm, mỗi động tác xoay người múa kiếm là một lần anh ta được mài dũa con người mình cho đẹp hơn, hoàn chỉnh hơn.
Trong Aikido, sử dụng kiếm là một nghệ thuật, sử dụng côn là một nghệ thuật, sử dụng các kỹ thuật tay không là một nghệ thuật, và Aikido là một môn nghệ thuật.
Người xưa có câu: “Con người sinh ra bản chất vốn thiện”. Một hành giả mỗi khi thực hành một kỹ thuật Aikido chính là thêm một lần anh ta được khơi gợi cái “đức”, cái “tài” vốn dĩ đã sẵn có. Để qua đó, anh ta sẽ phát huy được cái “tâm”, cái “tính” của mình, rèn luyện con người mình ngày càng hoàn thiện hơn.
HLV Trường Chinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét