BẠN NHẬN ĐƯỢC GÌ SAU NHỮNG LẦN CÚI CHÀO? ~ CLB võ đạo Aikido Tenshinkai Hà Nội- 20 năm phát triển và vững mạnh

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

BẠN NHẬN ĐƯỢC GÌ SAU NHỮNG LẦN CÚI CHÀO?

Người xưa nói Tiên học Lễ, Hậu học Văn. Những khi một võ sinh mới tham gia tập luyện, mình luôn dành hơn nữa buổi tập để hướng dẫn các bạn về lễ nghi trong Aikido, chiếm phần nhiều trong đó là nghi thức chào.


Aikido xuất phát từ Nhật Bản nên không lạ lẫm gì khi các môn sinh phải học theo những nghi lễ của Nhật. Trước khi vào sân tập, môn sinh đứng thẳng hướng về di ảnh Tổ Sư, cúi chào. Đằng sau cái cuối chào đó, người môn sinh bước vào đạo đường bỏ lại những suy nghĩ về công việc và cuộc sống của mình, bước lên thảm tập hoà hết cả tinh thần và thể lực vào Aikido. Sau đó, người võ sinh vào sân, đặt giày của mình ngay ngắn kế thảm tập, mũi giày hướng ra ngoài, cất balo vào tủ, chuẩn bị cho một buổi tập.


Cả lớp sẽ ngồi seiza hình chữ U theo quy ước đai cao nhất ở phía tay trái và đai thấp nhất ở phía tay phải lúc hướng về hình tổ sư để thực hiện nghi lễ chào sân. Huấn luyện viên cùng cả lớp sẽ hướng về di ảnh tổ sư, chắp tay lạy bái tổ hai cái và vỗ tay hai cái. Tiếp theo, HLV sẽ quay lại phía đối diện các môn sinh và hai bên chào nhau. 

Nếu bạn vào trễ, bạn tuần tự thực hiện theo các bước sau:

  • Ngồi seiza chào Tổ.
  • Chào Huấn luyện viên
  • Chào đai đen ( chào theo thứ tự người cao đẳng hơn thì chào trước ví dụ chào ba đẳng xong đến hai đẳng và cuối cùng là một đẳng) Nói thêm một chút về phần này, đai đen là màu đai cao nhất nhưng vẫn còn cấp đẳng. Chiếc đai đen sẽ không may thêm vạch để thể hiện cấp đẳng mà thể hiện qua sự đổi màu của chữ trên đai... Với aikido, võ phục bắt buộc sẽ kèm theo chiếc hakama nên đai sẽ được giấu vào trong nên bạn cũng khó lòng biết được ai cao đẳng hơn ai. Cách dễ nhận biết được thứ tự là quan sát khi cả lớp ngồi hình chữ U. Ai ngồi cao nhất ở phía tay trái di ảnh là người có cấp bậc lớn nhất)
  • Chào người hướng dẫn khởi động ( nếu như hôm đó là đai màu hướng dẫn mà không phải Huấn luyện viên hoặc đai đen)

Lưu ý: Hình thức bắt buộc khi chào Tổ là ngồi seiza. Đối với các trường hợp còn lại, sẽ tuỳ vào người mình muốn chào đang đứng hay ngồi mà mình đứng hay ngồi seiza để chào. Tuyệt đối nghiêm cấm đứng chào mà xoay lưng vào chính diện di ảnh Tổ sư vì nó thể hiện sự thất lễ. Trường hợp này, bạn nên chỉnh hướng đứng, hay ngồi seiza chệch sang trái hoặc sang phải di ảnh.

Trong quá trình tập luyện, nghi lễ chào cũng được áp dụng khi có sự bắt đầu một tương tác. Khi muốn hỏi về kỹ thuật, muốn nhờ ai đó làm gì cho bạn hay mời tập chung, bất kể đó là huấn luyện viên, đai đen, cùng màu đai hay cả các bạn đai trắng, ta cũng phải thực hiện nghi thức chào. Bạn đến trước người mà bạn muốn giao tiếp. Tuỳ theo người đó đang đứng hay ngồi mà ta áp dụng tư thế đứng chào hay ngồi seiza. Khi hai người đã ra giữa sân tập, thực hiện động tác đứng chào nhau rồi tập. Khi kết thúc phần tập, hai người thực hiện động tác chào nhau để thể hiện sự kết thúc.



Kết thúc buổi tập, cả lớp sẽ cùng ngồi seiza và chào sân, quy cách như lúc chào đầu giờ. Khi ra về, không quên đứng ở cửa cúi chào hướng người về phía di ảnh Tổ Sư.

Nảy giờ nghe tường thuật, chắc nhiều bạn sẽ nghĩ cái gì mà lắm quy cách, rắc rối vậy. Một số môn sinh bên mình vẫn hay thường quên nghi thức này và thường bị mình phạt rất nặng. Liệu có ai thực sự hiểu rõ ẩn ý sau đó?

Cái cúi chào thể hiện sự tôn trọng người sáng lập ra môn võ, tôn trọng không gian tập, Huấn luyện viên, đồng môn và cả chính bản thân bạn. Bạn có để ý khi bạn vào lớp trễ phải thực hiện trình tự chào như mình đã mô tả ở trên? Đi học về là chào ông bà, cha mẹ, anh chị. Ở đây là sự nhắc nhở những quy tắc mà ta đã được học từ thuở bé nhưng sau thời gian vô tình quên lãng. Cúi chào không có nghĩa là bạn thua thiệt ai đó mà nó thể hiện thiện chí của bạn. Theo tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu đứng thứ nhì của con người là được tôn trọng. Người nhận cái chào của bạn sẽ rất vui và nhiệt tình chỉ dẫn bạn. Là lời cảm ơn, thể hiện sự trân trọng những gì ta được nhận. Sự tương tác giữa người và người sẽ cởi mở và thân thiện hơn. Đó gọi là tinh thần thượng võ.

Bài học về sự cúi chào không chỉ gói gọn ở gia đình, đạo đường mà còn cần áp dụng ra cả xã hội. Mỗi con người đều có cái tôi, những mâu thuẫn thậm chí những xô xát đã xảy ra khi chúng ta thường mặc nhiên yêu cầu người khác tôn trọng. Mọi người đều bình đẳng như nhau nên hãy học cách tôn trọng người khác trước khi muốn người khác tôn trọng mình.

Để nhận được sự tôn trọng, đầu tiên bạn hãy học cách cúi chào bạn nhé!



 

Nguồn: Hà Nhi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét